Làm sao để có thể đọc nhanh hơn cho công việc hiệu quả?

Không hiểu từ cũng là một nguyên nhân khiến bạn đọc chậm, đặc biệt là với những sách có từ ngữ địa phương, biệt ngữ xã hội hoặc sách ngoại văn.
1. Đọc mục lục và phần tóm tắt

Nếu bạn đọc sách thì đầu tiên nên đọc phần tóm tắt ở bìa sau của sách để có khái niệm tổng quan về sách trước đã. Sau đó thì đọc phần mục lục để bạn nắm cấu trúc của sách. Khi bạn biết cấu trúc của sách thì lúc bắt đầu đọc bạn sẽ thấy dễ hiểu, dễ liên kết kiến thức giữa các chương.

Tips: Khi bạn đọc mục lục, nếu có thể bạn nên cố gắng dự đoán trước các phần sẽ liên kết như thế nào với nhau để khi đọc bạn sẽ không bị cảm thấy các kiến thức rời rạc.

Ví dụ hôm bữa mình đọc cuốn Project Management (quản lý dự án), đọc mục lục thì chương 1 có phần nói về “tầm quan trọng của quản lý dự án”. Chương 2 nói về “chiến lược quản lý và cách chọn dự án”. Vậy nên mình dự đoán trước được là mình sẽ liên kết phần “tầm quan trọng” bên chương 1 qua chương 2 phần “chiến lược và cách chọn dự án”. Bằng cách biết trước cấu trúc mình sẽ có sự chuẩn bị trong đầu, không bị rối nên mình đọc nhanh hơn, không phải lật chương trước xem lại để coi hai chương dính dáng nhau chỗ nào.

Nếu bạn đọc bài báo thì bạn đọc phần tóm tắt đầu tiên, phần này tóm gọn các ý chính trong bài, nên theo kinh nghiệm cá nhân thì nhiều khi mình đọc phần tóm tắt xong là mình không cần đọc phần còn lại nữa.

2. Không đọc thầm theo trong miệng

Khi đọc có nhiều bạn hay có thói quen đọc nhẩm theo trong miệng, cách này sẽ hiệu quả nếu bạn áp dụng khi bạn cần ghi nhớ gì đó, nhưng khi bạn cần đọc nhanh thì cách này sẽ làm giảm đáng kể tốc độ đọc của bạn.

Theo Reading Horizons, sinh viên đại học có tốc độ đọc bằng mắt trung bình là 280 từ/phút, nhưng tốc độ đọc bằng miệng chỉ 151 từ/phút. Vậy nên bạn hãy tập thói quen đừng nhẩm theo từ trừ khi bạn muốn học thuộc bài nhé.

3. Dùng tay hoặc một vật dụng để kiểm soát tốc độ đọc

Hồi đó, mình bị cái tật là hay đọc lại những câu/từ mà mình đã đọc rồi chỉ để chắc chắn mình đọc chính xác, nên mình đọc rất chậm, một trang chắc đọc 15 phút mới hết.

Sau này mỗi lần muốn đọc nhanh, mình rà cây thước trên mỗi từ mình đọc, cây thước rà tới đâu mình đọc tới đó.

Cách này rất hiệu quả, tốc độ bạn đọc cũng chính là tốc độ bạn rà thước. Tuy nhiên, bạn cũng phải kiềm chế thói quen không để mắt mình rời khỏi cây thước rồi đi đọc lại mấy câu đã đọc, nếu không cây thước sẽ không có tác dụng.

4. Đọc lướt và ghi chú nếu cần

Khi deadlines đang cận kề mà chồng sách phải đọc của bạn vẫn còn cao như núi thì cách còn lại là phải đọc lướt thật nhanh. Đọc lướt là khi bạn tìm những ý chính và từ khóa đúng chủ đề mà bạn quan tâm để đọc, bỏ qua toàn bộ những chi tiết khác. Khi đọc lướt bạn nên chú ý những đoạn sau:

Đọc phần mở đầu và phần kết của cuốn sách
Đọc phần mở đầu và phần kết của chương
Đọc câu đầu tiên và câu cuối của mỗi đoạn
Đọc các ý được in đậm (nếu có) trong đoạn, vì phần in đậm thường là những phần quan trọng
Tuy nhiên, danh sách trên còn có thể rút ngắn hơn tùy theo nhu cầu bạn muốn đọc cái gì. Ví dụ, hôm bữa mình phải đọc bài về thuốc kháng sinh, mình xem mục lục thấy mình chỉ cần một chương quan trọng là “tại sao thuốc kháng sinh có hại cho động vật?” (đây cũng là một ví dụ vì sao bạn nên đọc mục lục trước đấy), nhưng trong chương đấy mình chỉ đọc câu đầu và câu cuối của đoạn đầu là đủ, các đoạn còn lại mình lướt câu đầu thấy không cần là mình bỏ không đọc.

Tips: trong lúc đọc bạn nên ghi chú lại mấy ý quan trọng và số trang của ý đó để sau này bạn không phải tốn thời gian kiếm lại ý đó hoặc nhớ mang máng “hình như mình đọc nó trong sách nào đó rồi thì phải”.

5. Mở rộng vốn từ vựng

Không hiểu từ cũng là một nguyên nhân khiến bạn đọc chậm, đặc biệt là với những sách có từ ngữ địa phương, biệt ngữ xã hội hoặc sách ngoại văn. Khi bạn đọc mà gặp từ bạn không biết, bạn sẽ phải tốn thời gian tra cứu (nếu bạn không thể đoán được từ đó), tra xong bạn sẽ phải đọc lại nguyên câu để hiểu. Vậy nên, mở rộng vốn từ vựng là vô cùng cần thiết.

Tuy nhiên, để mở rộng vốn từ vựng, thì thời gian đầu bạn phải chấp nhận đọc chậm. Ví dụ như bạn đọc báo nước ngoài hàng ngày để nâng cao vốn từ, gặp từ nào không biết bạn tra từ điển và ghi lại để nhớ lâu, sau này đọc sách báo khác gặp lại từ này bạn nhớ ngay, không phải tốn thời gian tra nữa.

6. Tập luyện

Đọc nhanh là một kĩ năng phải rèn luyện mới có chứ không phải là năng lực sinh ra đã có. Bạn phải chịu khó đọc nhiều, thời gian đầu đọc chậm cũng không được nản, không phải ai cũng giỏi ngay từ đầu.

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *